Cây Bồ cu vẽ mọc hoang ở khắp miền Bắc và miền Trung nước ta, rải rác ở Lào và Campuchia. Ở Malaysia, Trung Quốc, Philippin người ta dùng lá tươi, hái quanh năm. Cây Bồ cu vẽ có công dụng chữa lở loét (Vỏ cây tán bột rắc), rắn cắn (Lá giã đắp), cầm máu (Lá sắc uống), chốc đầu (Lá nấu đặc gội), trẻ em sốt cao (Lá giã đắp vào trán).
Tìm hiểu chung
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Bồ cu vẽ.
Tên khác: Đỏ đọt, Bồ long anh, Sâu vẽ, Bọ mảy, Cứt cu, Cù đề, Bạch địa dương, Đỏ đọt, Dé bụi, Mạy hồ vài (Tày), Rỡ liêu (K Ho), Loong tơ uý (K dong), Co mạy chỉa, Co khí lệch (Thái), Andrachne fruticosa L.
Tên khoa học: Breynia fruticosa (L.) Hook.f. Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu).
Đặc điểm tự nhiên
Bồ cu vẽ là một cây nhỏ, cao 3 – 6m, thân nhẵn, hình trụ. Lá có hình dáng và kích thước thay đổi, đầu nhọn, phía cuống tù hay nhọn. Chiều dài của lá từ 3 – 6cm, rộng 20 – 45mm, cuống rất ngắn, mặt trên màu nâu sẫm bóng, mặt dưới lá thường có đường ngoằn ngoèo đen do một loài sâu bọ để lại vết.
Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, gồm 5 – 6 hoa đực và 1 – 3 hoa cái đính trên một cành nhỏ, với những lá bắc khô xác. Quả khô, hình cầu dẹt, màu đen nhạt, đường kính 5mm, phía cuống bao bọc bởi một đài cùng phát triển. Hạt màu nâu nhạt 3 cạnh, cao 3mm, trên có phủ một áo hạt màu vàng cam.
Cây Bồ cu vẽ
Phân bố, thu hái, chế biến
Cây mọc hoang ở khắp nơi trên miền Bắc và miền Trung nước ta. Rải rác thấy có ở Lào và Campuchia. Còn thấy ở Malaysia, Trung Quốc, Philippin người ta dùng lá tươi, hái quanh năm.
Bồ cu vẽ là cây bụi nhỏ ưa sáng, hoặc có thể chịu bóng, thường mọc xen kẽ với cây bụi khác. Cây mọc ở đồi còn có khả năng chịu hạn tốt, ra hoa quả đều hàng năm và tái sinh tự nhiên chủ yếu là câu con mọc từ hạt.
Bộ phận sử dụng
Các bộ phận dùng của cây Bồ cu vẽ là lá, rễ, vỏ thân. Có thể dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học
Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị: Bồ cu vẽ có vị đắng, tính hàn, có độc. Có tác dụng thanh thấp nhiệt, hóa ứ trệ. Dùng chữa đau bụng thổ tả, đinh nhọt sưng đau, lở loét ngoài da, eczema, viêm da, lở sơn, đầu gối sưng đau, đòn ngã sưng đau.
Chữa lở loét (Vỏ cây tán bột rắc).
Rắn cắn (Lá giã đắp).
Cầm máu (Lá sắc uống).
Chốc đầu (Lá nấu đặc gội).
Trẻ em sốt cao (Lá giã đắp vào trán).
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn
Nước sắc, cao nước Bồ cu vẽ có tác dụng trên 6 trong 8 loại vi khuẩn thông thường.
Tác dụng trên amip in vitro
Tác dụng chống viêm
Nước ép lá, cao lỏng lá, cao lỏng rễ có tác dụng chống viêm thực nghiệm.
Nâng cao được tỷ lệ chuột nhắt sống và kéo dài thời gian cầm cự trước khi chết, khi tiêm nọc rắn hổ mang vào tĩnh mạch.
Trị bỏng
Nước sắc Bồ cu vẽ dùng rửa vết thương bỏng, làm mát vết thương, tránh nhiễm khuẩn.
Chữa bệnh giun chỉ
Viện Sốt rét Ký sinh trùng Việt Nam thí nghiệm sơ bộ thấy câu có tác dụng chữa bệnh giun chỉ.
Lá cây Bồ cu vẽ
Liều dùng & cách dùng
Bồ cu vẽ chữa kiết lỵ, viêm dạ dày, viêm ruột cấp, viêm họng, sưng amidan, viêm khí quản, viêm âm đạo, bỏng, lở loét, eczema, viêm da dị ứng, ngứa, mụn nhọt, sỏi niệu đạo, thấp khớp, rắn cắn. Ngày dùng 20 đến 40g cây tươi hoặc 10 đến 20g cây khô sắc uống. Dùng ngoài, liều lượng tùy thuộc vết thương.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa rắn cắn
Chuẩn bị: Lá Bồ cu vẽ tươi 30 – 40g.
Thực hiện: Lá giã nát vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết cắn.
Lá Bồ cu vẽ tươi
Chữa viêm họng, viêm amidan, viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ
Chuẩn bị: Lá Bồ cu vẽ, Cỏ sữa lá nhỏ, Cỏ sữa lá to mỗi vị 10 – 15g.
Thực hiện: Sắc uống.
Bài thuốc chữa viêm họng, sưng amidan, viêm dạ dày, viêm ruột, kiết lỵ
Chuẩn bị: Lá Bồ cu vẽ, Cỏ sữa lá to, Cỏ sữa lá nhỏ mỗi vị 10-15g.
Thực hiện: Sắc uống.
Chữa mụn nhọt, lở loét, viêm da, chốc đầu
Chuẩn bị: Lá Bồ cu vẽ tươi.
Thực hiện: Rửa sạch lá, giã nát, đắp. Nếu lở loét chảy nước, có thể cạo vỏ cây, lấy bột rắc.
Điều trị bỏng
Chuẩn bị: Toàn bộ cây Bồ cu vẽ cả rễ.
Thực hiện: Chặt nhỏ cả cây, sắc đặc, rửa vết bỏng, ngày nhiều lần.
Điều trị rắn cắn
Cách 1:
Chuẩn bị: Lá Bồ cu vẽ 30g.
Thực hiện: Dùng lá Bồ cu vẽ rửa sạch sau đó cho vào miệng để nhai cố gắng nuốt hết phần nước do lá cây tiết ra, lấy phần bã dùng để đắp vào vị trí bị rắn cắn.
Cách 2:
Chuẩn bị: Lá cây Bồ cu vẽ 20g, lá Sòi tía 20g, Hùng Hoàng 1 đến 2g.
Thực hiện: Đem tất cả hỗn hợp kể trên đi rửa sạch, giã nhuyễn lá cây Bồ cu vẽ, lá Sòi tía, vắt lấy nước cốt, mài thêm Hùng Hoàng vào rồi uống, còn phần bã thì dùng để đắp lên vị trí bị rắn cắn.
Điều trị viêm da cơ địa
Chuẩn bị: Cây Bồ cu vẽ.
Thực hiện: Đem toàn bộ cây Bồ cu vẽ rửa sạch, sắc lấy nước thuốc đặc rồi lọc lấy nước cốt qua một tấm vải mỏng. Phần nước đem sử dụng để rửa các khu vực da bị viêm nhiễm. Phần bã chúng ta có thể sử dụng để đắp lên vị trí bị viêm da cơ địa. Kiên trì thực hiện trong vòng một thời gian sẽ thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm đáng kể.
Cây Bồ cu vẽ có thể chữa viêm da cơ địa
Lưu ý
Mặc dù đây là một loại cây có công dụng rất tốt cho việc chữa và điều trị bệnh. Tuy nhiên trong một số trường hợp chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tới những nhóm đối tượng này trước khi sử dụng thuốc:
Người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai. Đây là những nhóm đối tượng có sức khỏe không được ổn định nên việc sử dụng cây Bồ cu vẽ để chữa bệnh thì cần phải chú ý.
Không nên chỉ uống thuốc sắc cây Bồ cu vẽ mà nên kết hợp với một số vị thuốc khác.
Những bệnh nhân mắc bệnh viêm đại tràng cân nhắc và hỏi ý kiến chuyên gia kỹ càng trước khi sử dụng.
Những người có làn da nhạy cảm nếu trong quá trình sử dụng thuốc để chữa các bệnh ngoài da nếu thấy tình trạng bị xấu đi thì nên dừng ngay việc sử dụng lá để điều trị.
Với bài thuốc trị rắn cắn, đây chỉ là biện pháp tạm thời không thể loại bỏ hoàn toàn độc tố của rắn. Mọi người cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để các chuyên gia có phương án xử lý thích hợp nhất.
Trên đây là những thông tin liên quan đến cây Bồ cu vẽ. Là một cây mọc hoang nhưng mang đến nhiều tác dụng trị bệnh. Tuy nhiên, cần sử dụng đúng mục đích và đúng liều lượng để có kết quả tốt nhất.
Post Views: 5.725