Mộc nhĩ là một loại nấm ăn ngon và độc đáo có nhiều tên gọi khác nhau. Với hàm lượng đồng, axit pantothenic và chất chống oxy hóa cao, loại nấm thơm ngon này rất tốt cho sức khỏe.
Mộc nhĩ là một loại nấm ăn được thường được sử dụng để tăng thêm kết cấu cho các món ăn trong nhiều nền ẩm thực châu Á. Nó còn có tên gọi khác là nấm đen, nấm mèo, nấm tai thạch, tên khoa học là Auricularia auricula-judae.
Chúng được bán rộng rãi ở dạng khô và có thể được thêm vào nhiều món ăn khác nhau, bao gồm súp, salad, món xào và nhiều món khác.
Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, mặc dù trước đây chỉ được sử dụng trong các dạng thuốc truyền thống nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu bắt đầu khẳng định những lợi ích đáng kinh ngạc của nấm.
Mộc nhĩ đen thường là món đặc trưng trong ẩm thực châu Á và được nhiều người yêu thích vì kết cấu giòn và hương vị nhẹ (Ảnh minh họa: Wiki).
Trên thực tế, một số giống nhất định có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng, từ giảm mức cholesterol đến giảm sự phát triển ung thư và hơn thế nữa.
Đặc biệt, mộc nhĩ (nấm mèo) là nguyên liệu ngày càng trở nên phổ biến trong các món xào và súp. Nó không chỉ mang lại kết cấu giòn, ngon cho bữa ăn mà còn chứa nhiều loại chất dinh dưỡng quan trọng và chất chống oxy hóa.
Giá trị dinh dưỡng của mộc nhĩ
Theo TS Giang, nấm mộc nhĩ là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Trên thực tế, mỗi khẩu phần mộc nhĩ cung cấp một lượng calo thấp nhưng lại có nhiều đồng, axit pantothenic, selen và riboflavin.
100g mộc nhĩ thô chứa khoảng 25 calo, 7g carbohydrate, 0,5g chất đạm, 0,5mg đồng (56% giá trị dinh dưỡng hàng ngày – DV), 2mg axit pantothenic (40% DV)… Ngoài ra, nó còn có selen, riboflavin, thiamine, magie, kẽm, vitamin B6, folate, mangan…
Mộc nhĩ cũng chứa một lượng nhỏ kali, phospho và canxi.
Lợi ích sức khỏe của mộc nhĩ
Có thể giúp chống lại tế bào ung thư
Chứa nhiều chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật, nghiên cứu sơ bộ đầy hứa hẹn cho thấy chiết xuất nấm mộc nhĩ khô có thể giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm do Đại học Quốc gia Kyungpook ở Hàn Quốc thực hiện cho thấy chiết xuất nấm mộc nhĩ có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào khối u ở phổi, xương và dạ dày. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá liệu nấm mộc nhĩ có tác động có lợi đến sự phát triển ung thư ở người hay không.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nấm mộc nhĩ có thể có đặc tính hạ đường huyết mạnh mẽ, có thể giúp kiểm soát mức cholesterol và bảo vệ chống lại bệnh tim mạch.
Theo một nghiên cứu trên động vật được công bố trên Mycobiology, việc sử dụng chiết xuất nấm mộc nhĩ cho chuột đã làm giảm đáng kể mức chất béo trung tính, cholesterol toàn phần và cholesterol LDL xấu. Nó cũng làm giảm chỉ số xơ vữa động mạch xuống 40%, đây là thước đo dùng để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim và tích tụ mảng bám trong động mạch.
Chứa chất chống oxy hóa
Nghiên cứu cho thấy mộc nhĩ chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol. Điều đó có thể có tác động rất lớn đến sức khỏe tổng thể.
Chất chống oxy hóa là những hợp chất giúp chống lại sự hình thành gốc tự do và bảo vệ tế bào chống lại tổn thương oxy hóa. Chất chống oxy hóa cũng đóng vai trò trung tâm đối với sức khỏe và bệnh tật. Nghiên cứu chỉ ra rằng chúng có thể hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tim và viêm khớp dạng thấp.
Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn
Ngoài việc là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và vi chất dinh dưỡng tuyệt vời, nấm mộc nhĩ còn có đặc tính kháng khuẩn mạnh có thể giúp xua đuổi một số chủng vi khuẩn.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm năm 2015 trên Tạp chí quốc tế về Nấm dược liệu cho thấy nấm mộc nhĩ có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của Escherichia coli và Staphylococcus aureus, hai loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở người.
Nguồn đồng tốt
Mỗi khẩu phần nấm mộc nhĩ đều có tác dụng mạnh mẽ về mặt dinh dưỡng. Những cây nấm nhỏ này là nguồn cung cấp đồng đặc biệt tốt, một vi chất dinh dưỡng cần thiết cho một số khía cạnh của sức khỏe.
“Đồng không chỉ quan trọng đối với quá trình chuyển hóa sắt mà còn cần thiết cho sức khỏe tim mạch, chức năng phổi và hơn thế nữa. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng quan trọng này có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, từ tiêu chảy, suy giảm khả năng miễn dịch đến xương yếu, tổn thương thần kinh, thiếu máu và các vấn đề về tim”, TS Giang phân tích.