Quả thị!!

Công dụng tuyệt vời ít người biết đến của quả thị

Quả thị đến mùa chín rộ vào tháng 8, đây là loại quả có mùi thơm rất đặc trưng, thậm chí còn được tận dụng làm vị thuốc, thế nhưng khi sử dụng cần phải lưu ý để tránh gây nguy hại cho sức khỏe.

Thị là loại quả xuất hiện rất nhiều vào dịp mùa thu ở miền Bắc. Thị có mùi thơm rất đặc trưng và được nhiều người ưa thích nhằm tạo mùi cho không gian phòng làm việc, phòng ở. Đa số sau thời gian tỏa mùi thơm, thị sẽ chín mềm và được mọi người ăn trực tiếp. Quả thị cũng có hương vị rất đặc trưng khi ăn, thậm chí nếu biết tận dụng đây còn là vị thuốc, tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc không biết cách ăn quả thị lại gây hại cho cơ thể.

Ths Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội đông y Việt Nam) cho biết, quả thị có tên khoa học là diospyros decandra Lour. Hình dáng quả tròn, chín có màu vàng và mọng nước, bên trong được chia thành nhiều múi. Quả thị chín khi ăn có vị hơi ngọt, xen lẫn vị chát và có mùi rất thơm, chính vì thế nhiều người thường mua thị về thắp hương hoặc chơi trước khi ăn.

Ông Trung cho biết, quả thị không chỉ có tác dụng chữa bệnh, mà còn là loại quả tạo hương thơm rất mạnh.

Ông Trung cho biết, một số nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng, vỏ quả thị chứa tinh dầu, còn thịt quả thị có 86,2% nước; 0,16% chất béo; 0,67% chất protit; 12% gluxit; 0,33% tanin; 0,47% xenluloza…

Trong đông y, ngoài quả thị thì một số bộ phận khác của cây thị đều có thể bào chế thành các vị thuốc chữa bệnh khác nhau như sốt, ngộ độc, nôn mửa…

Theo đó, phần vỏ quả thị mọi người thường hay vứt bỏ khi ăn chứa lượng tinh dầu thơm nhiều nhất, chính lượng tinh dầu này có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc và dùng ngoài da để chữa bệnh giời leo, rắn cắn.

Với những ai bị giời leo có thể lấy vỏ thị khô, đốt thành than rồi tán mịn, sau đó bôi lên vùng tổn thương. Chữa rắn cắn bằng cách phơi khô vỏ thị, đốt thành than, tán nhuyễn rồi cho thêm chút dầu mè hoặc mỡ lợn, sau đó đắp lên vết cắn.

Vỏ quả thị còn giúp trị vết nám má hiệu quả bằng cách, dùng quả thị sấy khô mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một quả, ăn thường xuyên có thể hỗ trợ loại bỏ các vết nám trên má.

Đối với thịt quả thị, theo kinh nghiệm dân gian thịt quả thị có tác dụng xổ giun, nhất là giun kim và nên ăn vào lúc đói buổi sáng với lượng vừa phải. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, quả thị còn có tác dụng giúp an thần, điều trị mất ngủ.

Ngoài quả thị, các bộ phận như lá, rễ cây thị cũng có tác dụng chữa bệnh như táo bón, sốt nóng, ngộ độc, nôn mửa, mẩn ngứa lở loét, viêm tinh hoàn…

Dù có nhiều tác dụng nhưng lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo, khi dùng thị làm bài thuốc chữa bệnh mọi người cần tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước, không tùy ý sử dụng. Nguyên nhân là do cơ địa mỗi người mỗi khác, có thể người này hợp với bài thuốc này, nhưng người khác lại không phù hợp.

Qủa thị có chất tanin nên có vị chát, vì thế không nên ăn nhiều để tránh bị tắc ruột. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, quả thị dù phổ biến nhưng đa số mọi người chỉ dùng để chơi thưởng tức mùi hương thơm là chính. Về giá trị dinh dưỡng, quả thị không thật sự nổi bật như một số loại quả thường dùng như cam, quýt, bưởi, xoài… Tuy nhiên, loại quả này vẫn có thể ăn được.

PGS Lâm lưu ý, khi sử dụng quả thị để ăn chỉ nên ăn quả đã chín kỹ nhưng không dập nát, thối rữa. Khi ăn cũng chỉ nên ăn thưởng thức, không sử dụng nhiều, không ăn lúc đói. Bởi quả thị cũng giống như quả hồng, có chứa chất tanin nếu ăn lúc đói gây cồn cào ruột, ăn nhiều sẽ dễ vón cục trong đường tiêu hóa và dẫn đến tắc ruột.

Thực tế đã có những trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì tắc ruột do ăn nhiều những loại quả có chất tanin như quả hồng, quả thị hoặc ăn quá nhiều những loại thực phẩm nhiều chất xơ không hòa tan, điển hình là măng.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *