Cây dành dành là còn có tên khác là chi tử. Không chỉ là một loài cây cảnh, dành dành còn được dùng để chữa bệnh rất hiệu quả.
1. Nhận biết cây dành dành
Dành dành hay còn gọi là chi tử (Gardenia jasminoides Ellis), họ Cà phê (Rubiaceae). Cây dành dành có thể cao đến 1 – 2m, cành màu nâu, nhẵn, lá đơn, mọc đối, hay mọc vòng 3. Hoa to, màu trắng, hoặc trắng ngà, mọc đơn độc ở đầu cành. Quả hình trứng, dài 5 – 7cm có đài tồn tại ở đỉnh, và cạnh lồi có cánh, khi chín màu vàng. Hạt dẹt, hơi tròn, có chất cơm màu vàng hay đỏ bám bên ngoài. Là cây mọc hoang, hoặc được trồng làm cảnh và để lấy nguyên liệu làm thuốc.
Cây dành và những tác dụng chữa bệnh bất ngờ (Ảnh: Internet)
Ở nước ta, dành dành phân bố phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam…. Một số vùng núi các tỉnh miền Trung, như Nghệ An, Hà Tĩnh… còn có cây dành dành núi hay còn gọi là sơn chi tử (Gardenia stenophylla Merr.), cùng họ Cà phê.
2. Tác dụng của dành dành trong việc chữa bệnh
Hầu như tất cả các bộ phận của dành dành đều được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc. Cành và lá, chặt nhỏ phơi khô, khi dùng sao vàng. Quả khi gần chín, thu hái phơi khô; hoặc đem đồ chín rồi phơi khô. Sau đó bóc tách riêng phần vỏ quả và hạt. Hạt dành dành có thể chế biến bằng cách sao vàng, sao đen tùy theo yêu cầu của việc chữa bệnh. Hoa dành dành có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
Lá dành dành chứa iridoid cerbinal, vỏ quả chứa thành phần a xít ursolic. Hạt chứa các hợp chất iridoidglycosid: gardosid, shanzhisid, geniposid… các a xít hữu cơ, các sắc tố α – crosin, α – crocetin… Hoa chứa steroid và tinh dầu.
Quả dành dành có tác dụng lợi mật, dạng nước sắc mạnh hơn. Còn có tác hạ huyết áp, tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ hexobarbital, kéo dài giấc ngủ của chuột nhắt trắng. Dạng chiết nước có tác dụng giảm đau. Thành phần genipin, sản phẩm thủy phân của iridoidgenpinosid có tác dụng ức chế sự phân tiết dịch vị.
Theo YHCT , dành dành có tác dụng thanh nhiệt giáng hỏa, chỉ huyết, dùng trị các chứng sốt cao, tâm phiền, viêm gan vàng da, tiểu đỏ, tiểu ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, mắt đỏ, sưng đau.
3. Một số chứng bệnh thường dùng dành dành:
Trị đau mắt, nhức mắt, mắt sưng đỏ: lá dành dành bánh tẻ, rửa sạch, vò nát, lấy dịch đông, đặt vào miếng giấy bản hay miếng vải gạc sạch, đắp lên mu mắt. Khi miếng thuốc đắp có cảm giác nóng lên thì đặt lật ngược lại, làm nhiều lần. Ngày đắp 1 – 2 miếng thuốc.
Trị viêm gan hoàng đản: cành và lá dành dành sắc nước uống, ngày 30 – 50g, chia 2 lần, trước bữa ăn. Hoặc dùng hạt dành dành (chi tử) 12g, nhân trần 30g, rễ chút chít 8g. Sắc uống, ngày một thang, chia 2 – 3 lần, trước bữa ăn.
Trị sốt cao: vỏ quả dành dành 20 – 30g, sắc uống; hoặc dùng 5 – 7 quả tươi, thái ngang, phối hợp với 20g đạm đậu xị, sắc uống, ngày một thang.
Trị ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam: Chi tử (sao đen) 9g, hoa hòe (sao đen) 12g, cát căn 12g sắc uống, ngày một thang, trước bữa ăn.
Trị đi tiểu ra máu: quả dành dành tươi thái ngang, 30 – 50g, sắc nước uống, hoặc chi tử, mộc thông, xa tiền tử, biển súc, hoạt thạch, cù mạch, mỗi vị 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày một thang, trước bữa.
Phòng trị cảm cúm: rễ dành dành, rễ bạch đồng nữ, mỗi vị 30g, cúc hoa 9g, rễ kim ngân, rễ hậu phác, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày một thang.
GS.TS Phạm Xuân Sinh