Cây huyết dụ – Thần dược chữa bách bệnh
Cây huyết dụ là cây dược liệu rất quen thuộc đối với người Việt. Ở các vùng nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụm cây cảnh màu đỏ tía nhìn vô cùng đẹp mắt được trồng trước cửa hay trong vườn nhà. Trong Đông y, loài thảo dược này được dùng để chữa nhiều bệnh lý khác nhau. Cùng Long Châu tìm hiểu chi tiết hơn về thần dược chữa bách bệnh này bạn nhé!
Cây huyết dụ – Thảo dược quen thuộc của người Việt
Huyết dụ (tên khoa học Cordyline Terminalis Kunth) còn có tên gọi khác là long huyết, cây phát dụ, huyết dụ đỏ. Đây là loài thực vật mọc thấp dưới mặt đất. Cây có màu sắc nổi bật đẹp mắt nên thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà hay trong công viên. Khí hậu Việt Nam rất phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây nên chúng ta có thể bắt gặp huyết dụ ở khắp các tỉnh thành.
Loài thảo dược này có những đặc điểm nổi bật như:
Thân cây nhỏ, mảnh, có nhiều đốt sẹo, cao khoảng 2m và hiếm khi phân nhánh.
Lá cây mọc tập trung thành 2 dãy ở ngọn cây, hình lưỡi kiếm. Lá cây có thể rộng đến 10cm và dài đến 50cm. Ở cả hai mặt đều có màu đỏ tía hoặc một mặt màu đỏ, một mặt màu xám.
Hoa huyết dụ mọc thành cụm trên ngọn. Chùm hoa huyết dụ có thể mọc dài đến 40cm.
Quả huyết dụ hình cầu và là dạng quả mọng.
Trong Đông y, cây huyết dụ được dùng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận chính được dùng làm thuốc là lá cây. Người ta thu hái lá huyết dụ quanh năm khi lá đã trưởng thành. Dược liệu này có thể dùng cả khi tươi và khi đã sấy khô.
Cây và lá huyết dụ
Cây huyết dụ và tác dụng chữa bệnh
Trong Y học cổ truyền, huyết dụ có vị hơi ngọt, tính bình, quy vào can, thận. Lá huyết dụ thường được các thầy thuốc Đông y dùng để:
Chữa bệnh băng huyết, rong huyết cho phụ nữ sau sảy thai và phụ nữ sau sinh.
Cầm máu hiệu quả khi có vết thương hở.
Điều trị chứng nôn ra máu, tiểu tiện và đại tiện ra máu.
Dùng để điều trị sốt xuất huyết với tác dụng cầm máu rất tốt.
Trị chứng ho ra máu hay chảy máu cam.
Trị bệnh phong thấp, xương khớp đau nhức.
Trị bệnh lao phổi.
Trị bệnh ho gà.
Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và tìm thấy các thành phần có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, phòng chống ung thư dạ dày của loài thảo dược này. Đặc biệt, huyết dụ có tính kháng khuẩn cao, có tác dụng mạnh với các loại vi khuẩn như Enterococcus, Staphylococcus,… Thành phần dược lý trong huyết dụ cũng làm tăng sự co bóp tử cung, gây độc tế bào ung thư.
Cây huyết dụ được cả Đông và Tây y công nhận về tác dụng chữa bệnh
Bài thuốc chữa bệnh từ cây huyết dụ
Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh bằng thảo dược huyết dụ được áp dụng phổ biến từ xưa đến nay như:
Chữa ho ra máu, chảy máu cam: Dùng 30g huyết dụ tươi, 20g trắc bách diệp sao cháy, 20g cỏ nhọ nồi mang sắc với nước và uống 2 – 3 lần mỗi ngày.
Chữa chứng rong kinh, băng huyết: Dùng 20g lá huyết dụ tươi, 10g đài hoa mướp, 8g rễ cỏ gừng, 10g rễ cỏ tranh thái nhỏ rồi mang sắc với 300ml nước. Đến khi nước thuốc cô đặc lại còn 100ml thì để nguội và chia làm 2 lần uống trong ngày.
Chữa kiết lỵ: Dùng 20g lá huyết dụ tươi, 12g cỏ nhọ nồi, 20g rau má tươi rửa sạch, để ráo nước rồi giã nát. Thêm một chút nước vào đánh đều, lọc bã, lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.
Chữa sốt xuất huyết: Lấy 20g huyết dụ tươi, 20g trắc bách diệp đã sao đen, 20g cỏ nhọ nồi sắc với nước rồi uống 2 – 3 lần uống trong ngày.
Chữa bệnh trĩ: Dùng 20g lá huyết dụ tươi sắc cùng 200ml nước đến khi cô đặc còn khoảng 100ml thì dừng. Nước thuốc sắc và uống ngay trong ngày.
Chữa lao phổi: Dùng 60 – 100g lá huyết dụ tươi hoặc 30 – 60g lá huyết dụ khô sắc cùng nước và dùng nước thuốc uống mỗi ngày.
Chữa tiểu ra máu: Dùng 20g lá cây huyết dụ cùng 20 rễ cỏ tranh, 8g rễ cỏ gừng, 10g đài tồn của quả mướp sắc với 400ml nước. Khi nước thuốc cô đặc còn 100ml thì ngừng đun. Dùng nước thuốc chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa khí hư bạch đới ở phụ nữ: Lấy 30g lá huyết dụ tươi, 20g bạch đồng nữ, 20g lá thuốc bỏng sắc cùng nước uống hàng ngày.
Chữa thổ huyết, ho ra máu: Dùng 10g lá huyết dụ tươi, 8g rễ cây rẻ mạt, 4g lá thài lài tía phơi khô trong bóng râm. Sau đó sắc cùng 4g trắc bách diệp sao đen lấy nước thuốc uống 2 – 3 lần trong ngày.
Lá huyết dụ sao khô tích trữ để dùng dần
Lưu ý khi trị bệnh bằng huyết dụ
Dù huyết dụ có công dụng chữa nhiều bệnh, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể sử dụng tùy tiện. Khi chữa bệnh bằng thảo dược này, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
Các thầy thuốc Đông y khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng khi dùng huyết dụ chữa bệnh cho người già và trẻ em.
Tuyệt đối không dùng huyết dụ chữa bệnh cho phụ nữ mang thai. Trong thảo dược này có chất kích thích co bóp tử cung, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Hiệu quả trị bệnh bằng thảo dược không thể nhanh chóng như thuốc Tây. Vì vậy, dùng huyết dụ để chữa bệnh cần kiên trì, không ngắt quãng, không bỏ ngang.
Hiệu quả và thời gian chữa bệnh bằng cây huyết dụ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người.
Trong quá trình dùng huyết dụ để chữa bệnh, nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần ngừng sử dụng và đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bởi huyết dụ cũng có thể gây ra tác dụng phụ với một số người.
Trong quá trình sử dụng thuốc Tây, không tự ý bỏ để dùng huyết dụ trị bệnh. Đồng thời khi đang dùng huyết dụ, không nên dùng lẫn thuốc Tây để tránh các thành phần phản ứng với nhau.
Các thầy thuốc Đông y khuyến cáo mỗi người không nên dùng quá 20 – 30g huyết dụ tươi hoặc 6 – 8g huyết dụ khô một lần.
Cây huyết dụ được sử dụng nhiều trong Đông y từ xưa đến nay. Bạn có thể dễ dàng mua lá huyết dụ khô ở các cửa hàng thảo dược. Tuy nhiên, thay vì tùy tiện sử dụng, bạn nên thăm khám để biết tình trạng bệnh lý chính xác, sau đó tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Vinmec
Post Views: 1.483