Cây rẻ quạt là một dược liệu Đông y quý, có vị đắng, tính hàn vào kinh Can và Phế giúp thanh hoả, giải độc, hành huyết, tiêu đờm. Đây là vị thuốc quen thuộc dùng trong điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm amidan hay ho do viêm họng…
1. Tổng quan về cây rẻ quạt
Cây rẻ quạt có hình dáng tỏa đều xung quanh như cánh quạt xòe. Do màu sắc nổi bật, có tính thẩm mỹ mà cây thường được trồng trong vườn nhà hoặc trường học để trang trí hay làm cảnh.
Đặc điểm nhận biết cây như sau:
Cây là dạng thân thảo, cao khoảng 20 – 50cm, rễ dài, mọc bò ở sát mặt đất và có củ phình to ở phần rễ.
Lá rẻ quạt dạng hình ngọn giáo, chiều dài khoảng từ 30 đến 40cm, rộng 2cm, gân lá song song, mọc thẳng đứng xen lẫn nhau trên một mặt phẳng. Lá cây mọc xòe ra từ thân chính và toả ra như nan quạt.
Hoa rẻ quạt mọc thành từng chùm hoa trông rất đẹp, mỗi một bông hoa có 6 cánh mảnh, có màu sắc sặc sỡ như cam, vàng với các đốm màu nhỏ trên cánh hoa.
Cây có quả dạng nang màu đen bóng, trông như trứng chim sẻ, có sọc ngang và chứa nhiều hạt nhỏ bên trong màu xanh đen.
Trong tự nhiên, cây thường mọc hoang và sống ở khu vực trung du miền núi Bắc Bộ như các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Kạn. Nhưng có thể được trồng ở hầu hết mọi nơi trong cả nước
Bộ phận dùng làm thuốc của cây rẻ quạt là thân, rễ, với tên vị thuốc là Xạ Can. Trước khi dùng làm thuốc cần cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô. Khi cần dùng, ngâm thân hay rễ cây đã sấy khô với nước gạo 1 – 2 ngày cho mềm. Sau đó thái mỏng phơi hoặc sấy khô, trường hợp dùng tươi cần phải nướng cho chín.
Cây rẻ quạt có hình dáng tỏa đều xung quanh như cánh quạt xòe
2. Cây rẻ quạt có tác dụng gì?
Theo tài liệu Y Học Cổ Truyền, rẻ quạt là một loại cây thuốc quý với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Trong những năm gần đây, công dụng cây rẻ quạt đã và đang được sử dụng rộng rãi như sau:
Tác dụng chống nấm và virus: Cụ thể là ức chế virus gây ra bệnh viêm nhiễm hô hấp và các loại nấm da thường gặp.
Tác dụng tiêu đờm: Nước sắc của cây rẻ quạt chữa ho do có tác dụng tiêu và tống đờm mạnh, cải thiện chức năng hô hấp.
Tác dụng kháng khuẩn: Ức chế các chủng vi khuẩn như liên cầu tan máu, Bacillus subtilis, trực khuẩn ho gà và tác dụng yếu với nhóm tụ cầu vàng, Shigella dysenteriae.
Tác dụng giải nhiệt: Trong các thí nghiệm trên chuột nhắt, rẻ quạt có công dụng hạ sốt cao rõ rệt. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có đặc tính kháng viêm tốt.
3. Các bài thuốc từ cây rẻ quạt
Bài thuốc trị hen hoặc viêm phế quản thể hen:
Chuẩn bị: Ma hoàng, rẻ quạt, khương bán hạ, mỗi loại 8g; tử uyển, khoản đông hoa, mỗi loại 12g; 3 lát gừng tươi; đại táo 3 quả. Sắc lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc trị ho do nhiễm lạnh:
Chuẩn bị: Khoản đông hoa, tử uyển, rẻ quạt hay xạ can, đại táo, sinh khương (gừng tươi) và bán hạ chế mỗi vị 10g; ngũ vị tử và tế tân mỗi vị 3g; ma hoàng 7g.
Thực hiện: Sắc với 600ml, đun nhỏ lửa đến khi còn lại khoảng 200ml. Dùng uống hết trong ngày. Thực hiện uống thuốc trong vòng 2 ngày sẽ đỡ ho.
Bài thuốc trị viêm họng sưng đau:
Bài thuốc 1: Chuẩn bị rẻ quạt 4g; cát cánh và cam thảo sống, hoàng cầm mỗi vị 2g. Thực hiện: Đem tất cả dược liệu đã chuẩn bị tán thành dạng bột mịn, sau đó, hòa với nước mát để uống.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị rẻ quạt tươi. Thực hiện: Thái mỏng, mỗi lần dùng 20g rẻ quạt sắc với khoảng 300ml nước đến khi còn khoảng 150ml nước thì vớt bỏ bã. Sau đó, cho thêm mật ong vào khuấy đều và uống trong ngày.
Bài thuốc chữa chứng viêm yết hầu thể nhẹ:
Chuẩn bị: Xạ can hay rẻ quạt và kim ngân hoa mỗi vị 9g; cam thảo, bạc hà và ngưu bàng tử mỗi thứ 6g.
Thực hiện: Sắc với khoảng 500ml nước cho đến khi còn 150ml thì tắt bếp. Sau đó, chia nước sắc thành 2 lần và uống hết lượng thuốc trong ngày. Nên dùng thuốc khi còn ấm để đảm bảo hiệu quả của bài thuốc. Uống thuốc sau khi ăn sáng và tối, duy trì việc dùng thuốc liên tục từ 5 – 7 ngày có tác dụng giảm chứng viêm yết hầu.
cc
Nước sắc của cây rẻ quạt chữa ho do có tác dụng tiêu và tống đờm mạnh
4. Lưu ý khi sử dụng cây rẻ quạt trong điều trị bệnh
Khi sử dụng cây rẻ quạt trong điều trị bệnh, người dùng cần lưu ý như sau:
Tránh điều trị bệnh bằng rẻ quạt trong thời gian kéo dài vì có thể khiến cơ thể hư yếu và rối loạn tiêu hoá.
Không dùng rẻ quạt khi cơ thể không bị nhiệt, đang tiêu lỏng, tỳ hư, phụ nữ mang thai và người tạng hàn.
Phân biệt rõ ràng cây rẻ quạt với cây hương bài, bởi 2 cây có hình dáng khá tương đồng. Tuy nhiên, hương bài là loại chứa độc tính cho cơ thể, không có tác dụng chữa bệnh.
Bảo quản dược liệu rẻ quạt tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.
Trước khi dùng cần xem xét tình trạng dược liệu. Khi dược liệu có dấu hiệu hư hại, ẩm mốc và mùi lạ thì cần tiêu huỷ, không sử dụng.
Hầu hết các bài thuốc cổ truyền từ cây rẻ quạt đều được lưu truyền chủ yếu trong dân gian. Hơn nữa, một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.