Na là loại quả phổ biến mùa hè, rất thơm ngon bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng thích hợp để ăn.
Sách “Nam dược thần hiệu” có ghi “Quả na (mãng cầu ta) tiêu đàm thông nhĩ, mạnh tỳ, làm vững chân nguyên, giúp chân khí, ăn nhiều khí huyết cũng thêm ra”. Theo y học cổ truyền, quả na có vị ngọt, tính bình. Tác dụng hạ khí tiêu đàm, lợi ngũ tạng; hữa chứng lỵ, di tinh, tiết tinh, tiểu đục, đái tháo nhạt.
Trong quả na, có 72% glucoza; 14,52% sacaroza; 1,73% tinh bột; 2,7% protit. Ngoài ra còn có một số vitamin và muối khoáng, vi lượng cần thiết khác. Theo một số tài liệu nghiên cứu quả na có tác dụng ngăn ngừa ung thư da. Cụ thể, hợp chất acetogenin được tìm thấy trong quả na có tác dụng rất tốt trong việc điều trị tận gốc các thương tổn tiền ung thư da, qua đó, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư da.
Bên cạnh đó, quả na cũng tốt cho mắt vì đây là loại trái cây cung cấp vitamin C, A dồi dào có khả năng cải thiện thị lực.
Na cũng rất giàu riboflavin, vitamin B2 khi đi vào cơ thể có tác dụng chống lại sự hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa các vấn đề về mắt, giúp bạn có được đôi mắt sáng, tinh anh. Nhờ có hàm lượng vitamin A cao, na là trái cây giúp cân bằng độ ẩm và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa cho da. Ngoài ra, thịt na mềm là phương thuốc tự nhiên để điều trị nhọt, mụn hay vết loét trên da rất hiệu quả. Đối với vỏ na, bạn có thể dùng để chữa bệnh sâu răng, ngăn ngừa viêm nướu.
Mặc dù na rất tốt, nhưng cũng có một số đối tượng cần cẩn trọng khi ăn:
Người thừa cân béo phì
Na là loại quả chứa nhiều đường, cung cấp nhiều năng lượng nên người thừa cân béo phì không nên ăn nhiều. Nếu ăn một quả na loại 200 – 250g thì cũng tương đương với 1 bát cơm, cho nên nếu ăn nhiều các loại quả ngọt này thì việc tăng cân là chuyện đương nhiên.
Người bị mụn nhọt
Một số người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, hay bị chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều na vì hàm lượng đường cao trong quả sẽ làm tăng lượng đường trong máu, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, nhất là tụ cầu – nguyên nhân gây nên tình trạng mụn nhọt, chốc lở.
Người suy thận
Người suy thận cũng không nên ăn nhiều na vì đây là thực phẩm giàu kali, không tốt cho người mắc bệnh cần ăn kiêng.
Ngoài ra, đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì cũng không nên ăn bởi na có hàm lượng đường tương đối cao.